Theo Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, hai ngành thép và xi măng sẽ được tách riêng, chứ không hưởng giá chung với các ngành khác. Mức giá điện cho hai ngành này dự kiến sẽ tăng lên từ 2% đến 16%.
Cụ thể, giá điện bán cho sản xuất thép và xi măng có mức khá cao, từ 59% đến 187% giá bán lẻ điện bình quân, tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện vào lúc bình thường, thấp hay cao điểm.
Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành này đều lên tiếng phản đối. Các doanh nghiệp ngành này cho biết họ không muốn có sự phân biệt đối xử giữa các ngành và đề nghị Bộ Công thương chưa tăng giá điện sản xuất trong năm 2013, đồng thời xây dựng và công bố lộ trình tăng giá điện đến 2015 để doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, đầu tư phù hợp.
Trước đó, lý do được Cục Điều tiết điện lực giải thích cho đề xuất này là hiện giá bán điện cho sản xuất thấp. Chính vì vậy, đã xuất hiện làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành thép và xi măng để xuất khẩu. Đây là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện năng. Vì thế, về lâu dài, Cục đề nghị xây dựng cơ chế giá điện riêng và hạn chế xuất khẩu sắt thép.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp trong ngành, nếu áp dụng cơ chế giá điện theo hướng tăng lên thì cũng phải áp dụng cho tất cả các ngành khác. Trong bối cảnh như hiện nay, khó khăn là khó khăn chung cho tất cả các ngành, trong đó thép, xi măng cũng không ngoại lệ.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nếu theo dự thảo của Bộ Công Thương, giá điện bán cho ngành thép sẽ tăng 2%-16% và nếu được thông qua, sẽ làm giá thép Việt Nam mất tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thép Trung Quốc và các nước khác nhập vào Việt Nam.
Theo DDDN