Một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao cho TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng như một số DN khác là bình ổn và dẫn dắt thị trường xi măng. Tuy nhiên, trong giai đoạn dư nguồn cung và giá xi măng đã không mấy thay đổi trong vòng 5 năm trở lại đây thì nhiệm vụ này có còn thiết yếu nữa không?
Thời kỳ từ năm 2000 - 2004 được xác định là xi măng cung không đủ cầu, VICEM với khoảng 45% thị phần không “dám” tính đến bài toán tăng giá vì nhiệm vụ “bình ổn thị trường”. Cũng chính vì VICEM không tăng giá nên dù thị trường thiếu, các nhà máy khác thuộc khối liên doanh hoặc tư nhân cũng như xi măng lò đứng “âm thầm” chấp nhận theo sau nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam - VICEM. Suốt thời gian dài (khoảng 10 năm từ 1995 - 2005), VICEM đã thực hiện xuất sắc vai trò chủ đạo của một doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về bình ổn và dẫn dắt thị trường xi măng Việt Nam.
Những năm sau đó, thị phần của VICEM sụt giảm xuống còn ở mức 40 - 42% và hiện nay là 35% do có nhiều nhà máy xi măng mới đi vào hoạt động. Từ năm 2008, vai trò bình ổn thị trường dường như đã thành thứ yếu khi thị trường xi măng đã bão hòa và có dấu hiệu dư thừa. Nhiệm vụ của VICEM cũng thay đổi khi phải sản xuất kinh doanh hiệu quả trên phần vốn mà Nhà nước giao phó. Tuy nhiên, cơn sốt xi măng và thép xây dựng kéo dài từ tháng 3 - 5/2008 làm cho thị trường xây dựng chao đảo. Điểm đáng nói là tại thời điểm đó, phía Nam chỉ sốt xi măng Hà Tiên và phía Bắc là Hoàng Thạch. Mỗi tấn xi măng của hai thương hiệu này giá bán chênh lệch ngoài thị trường lên đến 300 - 400 nghìn đ/tấn, tăng khoảng 30% so với giá bình thường. VICEM vẫn kiên định không tăng giá bán tại các nhà máy và tập trung nhiều biện pháp như tăng nguồn cung vào phía Nam, cùng với Bộ Xây dựng tăng cường các biện pháp kiểm tra, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Đây được xem là cố gắng lớn của VICEM trong điều kiện nguyên liệu đầu vào cho sản xuất liên tục tăng cao làm giá xi măng trong toàn VICEM tăng bình quân 22.700 đ/tấn tương đương với mức tăng ít nhất cho sản xuất khoảng 155 tỷ đồng, chưa kể cước vận tải và một số nguyên liệu khác tăng lên làm cho mỗi tấn xi măng tăng từ 10 - 15 nghìn đ/tấn.
Nỗ lực của VICEM đã góp phần không nhỏ đưa giá xi măng trở lại mức bình thường. Tuy nhiên việc tham gia bình ổn thị trường cũng làm cho lợi nhuận của VICEM giảm đáng kể. Ông Lê Văn Chung - nguyên Chủ tịch HĐTV VICEM (nay là Phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam) khẳng định: “Vai trò điều tiết của DNNN là ở những thời điểm gay cấn như thế. Thị trường đang sốt nhưng để “lệnh” các DN giữ giá và đưa xi măng vào phía Nam thì chỉ có DNNN hoặc DN mà cổ phần của Nhà nước chi phối mới làm được điều này. Cho dù trên thực tế, Nhà nước đã cho VICEM hoàn toàn tự chủ trong sản xuất kinh doanh”.
“Bình ổn thị trường không chỉ ở việc giữ giá mà ở chỗ giá không gây xáo trộn”.
Từ năm 2005 - 2011, giá bán xi măng chỉ tăng 30% trong khi đó giá than, điện, dầu FO đều tăng mạnh, trong đó giá than tăng gấp 4 lần. Nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong khi xi măng vẫn giữ giá là thành công lớn nhất trong vai trò bình ổn và dẫn dắt thị trường mà ngành Xi măng đã làm được. Theo đó, giá bán xi măng bình quân cả nước ở mức 40 USD/tấn, thấp hơn mức bình quân trong khu vực từ 20 - 30 USD/tấn.
Năm 2010, Việt Nam đã đứng vào “top” 10 nước sản xuất xi măng lớn nhất thế giới với tổng công suất thiết kế vào khoảng 60 triệu tấn/năm, đến nay tổng công suất thiết kế vào khoảng 75 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ xi măng trong nước 3 năm trở lại đây không chỉ chững lại mà còn thụt lùi. Nếu như năm 2010, tiêu thụ đạt 50,2 triệu tấn thì năm 2011 chỉ còn 49,3 triệu tấn, năm 2012 là 54 triệu tấn (trong đó có 8,3 triệu tấn xuất khẩu). Câu chuyện dư nguồn cung là đề tài nóng bỏng kéo theo nhiều hệ lụy: Sản xuất kinh doanh của các nhà máy gặp khó, một số nhà máy mất khả năng thanh toán, “bị” nước ngoài mua lại phần vốn như xi măng Thăng Long, Chinfon. Đến lúc này, DNNN còn phải làm nhiệm vụ bình ổn và dẫn dắt thị trường hay không?
Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả dư nguồn cung, thì DNNN vẫn phải đảm trách vai trò dẫn dắt và bình ổn thị trường. Bình ổn thị trường không chỉ ở việc giữ giá mà ở chỗ giá không gây xáo trộn”.
“Cái khó của DNNN chính là dù không được giao nhiệm vụ nhưng khi cần thì phải làm ngay. Sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả, trong điều kiện như hiện nay rất khó “vẹn cả đôi đường” nên nếu xét ở vai trò của DNNN không chỉ nhìn vào mỗi chuyện lỗ hay lãi”, ông Lương Quang Khải - Chủ tịch HĐTV VICEM trải lòng. “Không giao vẫn phải làm”, đó là khẳng định của ông Mai Ngọc Liêm - Chủ tịch HĐQT Xi măng FICO khi nói về nhiệm vụ của dự án Nhà máy Xi măng Tây Ninh. Trong đó, ngoài việc sản xuất kinh doanh hiệu quả còn có nhiệm vụ “góp phần bình ổn thị trường xi măng phía Nam và thay đổi diện mạo kinh tế vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc”.
Nhiệm vụ điều tiết thị trường luôn cần thiết, kể cả lúc nguồn cung dư thừa. Thế nhưng, khi chưa có giá trần cho xi măng thì các DNNN sẽ “khó chồng khó”. Vừa qua, Hiệp hội Xi măng đã đề xuất “giá trần” cho ngành Xi măng để tránh tình trạng “gà nhà đá nhau”, giúp các DN cùng nhau vượt khó. Tuy nhiên, để có giá trần thì không dễ.
“Nếu VICEM giảm giá thì nhiều nhà máy sẽ phá sản. Mức giá như hiện nay thì nhiều DN đã không có lãi, nếu giảm sâu thì chỉ “kéo nhau cùng chết” vì sức mua của thị trường trong nước chỉ có vậy. Hơn nữa, nếu thêm nhiều nhà máy xi măng được nước ngoài mua lại thì vai trò điều tiết thị trường của các DNNN phải tăng lên”.Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam.
Theo baoxaydung