Để hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ đã đưa ra những chính sách cụ thể như: “Chương trình Nghị sự 21 ở Việt Nam”, bước đầu đưa ra những định hướng khung để các Bộ, ngành và địa phương triển khai hành động. Ngành Xây dựng đã và đang triển khai các hoạt động nhằm cụ thể hóa và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như: triển khai thực hiện “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, “Định hướng phát triển cấp nước đô thị Quốc gia đến năm 2020”, “Định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020”, “Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020”…
Để giảm phát thải nhà kính, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, việc nghiên cứu, sử dụng VLXD thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; các giải pháp quy hoạch – kiến trúc đô thị, áp dụng các thiết bị kỹ thuật công trình có hiệu suất cao nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính; các giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị … “Xây dựng xanh”, “Công trình xanh” , “Đô thị xanh” là những mục tiêu cụ thể ngành Xây dựng Việt Nam hướng đến trong những năm tới.
Theo các chuyên gia nước ngoài, xây dựng xanh, toà nhà xanh là những mục tiêu ưu tiên của ngành xây dựng nhiều nước trên thế giới, nhằm giảm tác động môi trường, tạo ra công trình lành mạnh, giảm nhu cầu năng lượng, nước và chi phí vận hành, cải thiện tiện nghi và sức khoẻ cho con người.
Như vậy, rõ ràng lợi ích mà các công trình xanh mang lại là rất lớn. Nhưng để công trình xanh ngày càng được xây dựng nhiều thì vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp xây dựng, ứng dụng những giải pháp về vật liệu và công nghệ xây dựng xanh, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, sổ tay hướng dẫn thi công công trình xanh– tòa nhà xanh và đặc biệt Chính phủ cần đưa ra những chính sách về xây dựng xanh là những giải pháp cần thiết.
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, hiện nay có 2,86 tỷ người đang sống trong các đô thị và dự báo đến năm 2030 sẽ là 4,98 tỷ người. Dân số trong các đô thị tiếp tục gia tăng nhanh chóng, trong đó khu vực châu Á tăng 9% vào 1920, 48% vào năm 2000 và 53% vào năm 2030